Khi mới bắt đầu, đa số các thí sinh đều cảm thấy bối rối và choáng ngợp trước 1 kỳ thi lớn và toàn diện như FCE. Hầu hết đều không biết bắt đầu từ đâu, học kỹ năng gì trước, học như thế nào, chọn sách nào phù hợp… và rất nhiều thắc mắc khác.
Các bạn thường “săn” các tips để làm bài hay một bí quyết gì đó để đạt điểm cao mà quên mất 3 thứ quan trọng hơn tất cả. 3 thứ này không chỉ đúng với FCE mà còn có thể áp dụng cho tất cả các kỳ thi tiếng Anh quốc tế khác. Khi hiểu về 3 thứ này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn bức tranh toàn cảnh và biết cách tiếp cận FCE hiệu quả hơn. Vậy 3 thứ đó là gì?
1. Từ vựng
Đây là yếu tố mấu chốt để vượt qua tất cả các kỹ năng. Nếu không có từ vựng cần thiết bạn sẽ không đọc hiểu được tiếng Anh, không thể viết hiệu quả, không thể diễn đạt ý kiến hay quan điểm khi nói và cũng không thể nghe hiểu được. VD như khi làm Reading, các mẹo hay kỹ năng đọc để tìm keyword, câu chứa đáp án nhanh chóng là rất quan trọng, nhưng nếu bạn không thể hiểu được chỗ cần hiểu (keyword) thì các mẹo hay kỹ năng cũng không có tác dụng gì nhiều.
2. Ngữ pháp
Giả sử như bạn có vốn từ vựng đủ để vượt qua FCE, nếu bạn không kết nối các từ này thành câu đúng cách khi nói hoặc viết, bạn sẽ bị trừ điểm. Khi giao tiếp thông thường thì sai lỗi ngữ pháp vẫn có thể xí xóa được vì chỉ quan trọng là hiểu nội dung chính. Còn khi thi chúng ta cần hoàn thiện ngữ pháp và cố gắng vận dụng những cấu trúc khó để tăng điểm cho bài thi. FCE còn có riêng 1 phần thi đó là Use of English. Nếu không học được và hiểu được đầy đủ ngữ pháp theo mức độ B2 FCE, bạn sẽ phải “vật lộn” khi làm phần thi này.
3. Ngữ âm
Ngữ âm đặc biệt quan trọng với kỹ năng Speaking và Listening. Nếu bạn phát âm sai, ngoài việc bị trừ điểm khi nói thì rất có khả năng giám khảo sẽ không hiểu được bạn nói gì để chấm điểm. Một lần mình đi dạy giao tiếp với giáo viên bản ngữ, có sinh viên nói sai từ “like” khi không bật âm cuối là /k/. Giáo viên bản ngữ phải nheo mày suy nghĩ 1 lát mới hiểu ra. Vì từ này nếu không có âm cuối dễ bị nhầm với “line”, “lie” hoặc thâm chí là “light”.
Khi phát âm sai, bạn cũng không nghe được bởi vì cách phát âm của mỗi từ được “lưu trữ như dữ liệu âm thanh” ở trong não bộ, nếu “dữ liệu” này sai thì bạn sẽ “xử lý” sai âm thanh mình nghe được. Đó là lý do tại sao các bạn người Việt mình nói tiếng Anh với nhau thì hiểu rất rõ, còn khi nói chuyện với người bản ngữ thì không nghe được. Sẽ càng khó khăn hơn khi đi thi nghe vì họ nói nhanh và hay lướt âm, lược âm.
3 điều này vô cùng quan trọng và có tác động lẫn nhau. Chỉ cần hiểu được mình cần hoàn thiện 3 điều này bạn sẽ có chiến lược ôn tập hiệu quả hơn. Thay vì ngày nào cũng “cày đề” và tìm mẹo, bạn nên dành thời gian củng cổ 3 yếu tốt trên. Luyện đề chỉ hiệu quả tối đa khi bạn đã chắc kiến thức nền của mình.