Cách Học Listening B2 FCE

Ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ những cách ôn tập hiệu quả nhất cho phần thi Listening B2 FCE. Khi xem xong bài viết này, bạn sẽ biết đâu là cách ôn tập phù hợp nhất với trình độ của mình.

FCE LISTENING được coi là phần thi vô cùng đáng sợ với đa số thí sinh. Các bạn thường phản ánh với mình là bài thi nghe có tốc độ quá nhanh và quá khó. Đến nỗi nhiều bạn chẳng nghe được gì hay chẳng hiểu gì cả?

Lý Do Các Bạn Không Nghe Được Là Gì?

Theo mình thì có 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, vốn từ vựng của các bạn chưa đủ. Một khi vốn từ của mình chưa đủ thì do cho các bạn có nghe 5 lần 10 lần hay nhiều hơn nữa, các bạn cũng khó mà hiểu được nội dung bài nghe. Ngoài ra, các từ vựng được đặt trong ngữ cảnh, cấu trúc và câu khác nhau, sẽ cho nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nếu bạn chỉ nghe được các từ riêng lẻ, khả năng hiểu bài của bạn sẽ bị hạn chế rất là nhiều.

Thứ 2, nếu bạn đã biết các từ vựng trong bài nghe rồi thì vấn đề bây giờ lại nằm ở kỹ năng nghe. Có thể bạn chưa quen với tốc độ nói của người bản ngữ, có thể do bạn chưa quen ngữ điệu lên giọng, xuống giọng trong câu, cũng có thể do cách nối âm trong bài

Thứ 3, có một số nguyên nhân khác nhỏ hơn ví dụ như kỹ năng làm bài, yếu tố tâm lý, khả năng tập trung hoặc vấn đề với thiết bị nghe như loa, đài và tai nghe sẽ mang lại chất lượng âm thanh hoàn toàn khác nhau, diện tích phòng thi…

Cách Ôn Tập Hiệu Quả:

Bây giờ, mình sẽ chia sẻ thêm về cách ôn tập Listening hiệu quả. Như ngày xưa mình học tiếng Anh thì mình có thể tìm được rất nhiều trang web và nguồn luyện nghe trên Google. Tuy nhiên vấn đề đó là đôi khi có nhiều quá nhiều sự lựa chọn thì mình lại thấy hoang mang không biết bắt đầu từ đâu. Nơi thì bảo nghe VOA, BCC càng nhiều càng tốt, nơi thì bảo chỉ cần nghe nhạc xem phim tiếng Anh cũng được? Chỗ thì lại gợi ý là nên nghe Ted Talk. Cuối cùng, Mình cũng không rõ nguồn nào hợp với trình độ và sở thích của mình.

Để đơn giản hóa vấn đề, mình sẽ đề xuất 2 hướng ôn tập nghe như sau:
Thứ nhất là nghe mở rộng. Thứ 2 là nghe trực tiếp đề thi.

Cách Học Nghe Mở Rộng:

Hướng thứ nhất là nghe mở rộng thì sẽ phù hợp với tất cả các trình độ. Nhìn chung, chúng ta nên nghe đa dạng nhiều nguồn khác nhau. Kỳ thi FCE này là của Cambridge English nên giọng chính vẫn là giọng tiếng Anh Anh. Do đó, Mình có một số nguồn như sau để các bạn luyện tập:
1. Hội đồng Anh (Britsh Council)


Các bạn hãy truy cập website learningenglish.britishcouncil.org, chọn mục Skills và chọn Listening skills practice.

Đây là tất cả các chuyên mục học Nghe miễn phí mà hội đồng anh cung cấp. Cái hay của trang web này đó là các chuyên mục đều được phân loại trình độ theo khung tham chiếu châu âu. Bạn có thể căn cứ vào thông tin ở dưới mỗi video để lựa chọn trình độ phù hợp với mình. Ngoài ra, có cả bài tập và phụ đề tiếng Anh để bạn thực hành và luyện tập tốt hơn.

Bắt đầu từ Starting out. Chuyên mục này gồm có những đoạn video ngắn, tốc độ chậm với nội dung xoay quanh những tình huống đơn giản giữa 2 nhân vật là Sammy và Julia. Chuyên mục này rất phù hợp với những bạn mới bắt đầu tập nghe hoặc trình độ từ A1-A2.

Chuyên mục thứ 2 Podcast là chuyên mục mình rất thích. Các bạn sẽ luyện tập nghe thông qua các bài podcast. Podcast chính là những chương trình radio tiếng Anh online tuy nhiên được thế kế riêng cho mục đích học tiếng Anh, cụ thể là học Listening. Các bạn sẽ được lắng nghe 2 MC vui nhộn là Ted và Ravi nói chuyện về nhiều topic quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, podcast còn có nhiều chuyện mục hay như phỏng vấn, trò chơi, câu đố, kể chuyện hài hước…Cuối mỗi podcast, sẽ có phần giải thích một số chủ điểm ngữ pháp đã đước sử dụng trong bài. Ngoài việc nghe ra thì bây giờ các bạn còn được học ngữ pháp luôn. Có cả bài tập và phụ đề kèm theo để giúp bạn luyện tập và củng cố kiến thức. Ngoài ra, lại còn có cả ứng dụng điện thoại cho IOS và Android. Các bạn có thể dễ dàng tả về máy và luyện nghe bất cử lúc nào. Ngày xưa có một thời gian mình vừa nghe podcast này vừa ăn cơm trưa :). Tùy vào series mà trình độ các podcast có thể dao động từ A2-B1 Các bạn nên bắt đầu từ series 1 và episode 1 để làm quen dần với các podcast này.

Chuyên mục tiếp theo là Big City Small World, chuyên mục này xoay quoanh 1 nhóm bạn sinh viên quốc tế đang học tập tại London. Chuyên mục phù hợp với trình độ B1 và có nhiều series với nhiều chủ đề mở rộng hơn 2 chuyên mục trước.

Chuyên mục thứ 4 phim ngắn Word on the Street cũng là chuyên mục yêu thích của mình. Chúng ta sẽ được theo chân 2 nhân vật duyên dáng là Ashley và Stephen đến rất nhiều vùng miền trên nước Anh. Để mình giới thiệu cho bạn vài cái hay của chuyên mục này. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhau lựa chọn 1 chủ đề.

VD như social media. Mỗi chủ đề sẽ có 2 tập chính là scene 1 và scene 2. Sau mỗi scene này lại có 1 bài giảng giải thích từ vựng và ngữ pháp xuất hiện ở mỗi tập phim. Cuối cùng, có một tập phim tài liệu tìm hiểu về văn hóa theo chủ đề đã cho. Các bạn nên học theo thứ tự từ trên xuống dưới. Và chuyên mục này sẽ phù hợp với trình độ B1-B2. Thực sự thì mình có thể ngồi xem cả ngày những tập phim này mà không biết chán. Nhìn chung, các bạn sẽ thấy học tiếng Anh thú vị hơn rất là nhiều khi mình được học cả văn hóa Anh như thế này.

Chuyên mục cuối cùng, Britain is GREAT cũng nói nhiều về văn hóa và con người Anh. Tuy nhiên chuyên mục này sẽ khó hơn vì trình độ đề xuất đó là B2-C1. Các bạn có thể xem thử nếu muốn.

Nhìn chung, các bạn chỉ cần kiên trì học theo các chương trình ở trên là quá tốt rồi. Học các tài liệu của hội đồng Anh thiết kế sẽ rất tốt vì giọng chuẩn Anh Anh, nội dung thiết kế dành riêng cho người học tiếng Anh, rất sinh động và hứu ích. Mình thực sự rất ngưỡng mộ những gì mà British Council đầu tư cho website này. Không biết bao nhiêu tiền, thời gian và chất xàm đầu tư vào đây. Các bạn đừng bỏ qua rất vì sẽ rất là lãng phí.

2. Youtube

Có một nguồn tài liệu mênh mông cho các bạn luyện nghe đó là youtube. Hầu như chủ đề nào các bạn tìm cũng có. Có một bí quyết mình muốn chia sẻ với các bạn đó là hãy tập tìm những nội dung bạn cần bằng tiếng Anh. Sau đó nghe luôn hướng dẫn bằng tiếng Anh. Các bạn nên dùng tính năng bật phụ đề để học dễ dàng hơn

3. Các nguồn khác
Ngoài 2 nguồn chính ra, xem phim tiếng Anh, nghe BBC hay VOA, TED talk đều có thể cải thiện khả năng tiếng Anh của bạn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điều khi luyện với các nguồn này.


Với việc xem phim, bạn nên xác định rõ mục đích là mình xem giải trí hay xem để học. Nói thực là ngày xưa mình chỉ xem phim để giải trí thôi. Tất nhiên cũng học được nhiều nhưng nếu muốn tập trung học các bạn nên xem với phụ đề tiếng Anh với độ dài vừa phải thôi và nên hạn chế xem phim hành động hoặc những phim gì họ chỉ diễn nhiều mà nói ít 😉

Với BBC và VOA, TED talk các bạn nên lựa chọn những bài nghe hợp với sở thích và trình độ của mình nếu không sẽ thấy khó và rất dễ chán.

Cách Học Nghe Với Đề Thi:

Tiếp theo, mình sẽ chia sẻ cách ôn tập trực tiếp với đề thi FCE. Mình chỉ đề xuất các bạn luyện nghe với đề thi khi trình độ của mình đã đạt B1 hoặc hơn B1 một chút. Nếu thấp hơn B1 các bạn nên luyện tập nghe mở rộng trước.

Bước 1: Các bạn hãy lựa chọn một bài nghe và nghe như bình thường theo đúng thời gian chuẩn của đề bài.

Bước 2: Các bạn đối chiếu đáp án để xem kết quả. (Xem đáp án chứ không xem phụ đề)

Bước 3: Với những câu sai, các bạn nghe lại để hiểu tại sao mình lại sai. Nên nghe khoảng 1-3 lần tùy mức độ. Nếu nghe đến lần thứ 3-4 rồi mà vẫn không hiểu thì chuyển sang bước tiếp theo.

Bước 4: Xem phụ đề giải thích đoạn mình làm sai. Tạm thời coi như mình đọc hiểu, việc nghe để sang 1 bên. Xem vấn đề mình gặp phải là từ vựng hay kỹ năng. Nếu có từ, cụm từ, thành ngữ hay câu nào không hiểu các bạn nên tra cho rõ ràng. Nếu bạn hiểu nội dung của phụ đề rồi thì vấn đề có thể là do mình chưa nghe kịp hay không nghe quen giọng người nói.

Bước 5: Nghe lại cả bài hoặc nghe lại những đoạn khó mà không có phụ đề. Bạn không cần phải cố nhớ lại phụ đề mà hãy cứ thả lỏng và thư giãn để nghe 1 cách tự nhiên. Nếu vẫn không nghe được cũng không phải áp lực vì mình vẫn có giải pháp với bước tiếp theo.

Bước 6: Hãy nghe và chép những nội dung bạn không nghe được. Đây cách để củng cố việc ghi nhớ từ vựng và cách phát âm của từ mới gặp trong đề.

Bước 7: Nếu các bạn muốn nhớ và vận dụng được từ mới, các bạn có thể đặt câu và luyện tập phát âm.

Bước 8: Sau đó vài ngày hoặc 1 tuần nghe lại cả bài để củng cố khả năng nghe và việc nhớ từ vựng thêm 1 lần nữa.

Một Số Lời Khuyên Khi Luyện Tập Với Đề Thi:

1. Không nghe lấy số lượng đề thi mà chỉ cần lấy chất lượng. 1-2 đề/tuần là đủ.

2. Đừng quá áp lực thành tích, hãy tập trung vào khắc phục điểm yếu của mình. Làm sai phải hiểu tại sao mình sai.

3. Kiên trì, kỹ năng nghe cần thời gian dài để tiến bộ.

4. Nghe tối thiếu 30 phút/ngày. Nghe đều sẽ tốt hơn nghe dồn mấy tiếng vào 1 ngày

5. Nên luyện tập không có tai nghe vì thi thật sẽ nghe đài/loa (bạn nên hỏi đơn vị tổ chức thi xem họ có cung cấp không, các đơn vị mình biết ở Hà Nội đều không có tai nghe)

Nếu bạn thấy bài viết của mình có ích, hãy đăng ký kênh Youtube của mình để xem thêm những video hướng dẫn học B2 FCE. Bạn cũng có thể kết nối với mình qua trang Facebook hoặc nhóm kín cho người tự học FCE.