Thời gian qua mình nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến IELTS và FCE với nội dung như: Em cần trình độ B2 ra trường/xin việc nhưng không biết nên thi B2 FCE hay IELTS? Cái nào thi dễ hơn? Học cái nào dễ ôn hơn hả thầy? Cái nào có giá trị hơn?
Mình thấy khá nhiều bạn vẫn còn mông lung về vấn đề này. Bài viết này hy vọng sẽ giúp các bạn lựa chọn kỳ thi phù hợp nhất với mình.
1. Tổng quan về 2 kỳ thi
– IELTS là kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của Hội đồng Anh (British Council). IELTS có thể đánh giá được 6 trình độ ngôn ngữ từ thấp nhất là A1 cho đến cao nhất là C2. IELTS có thời hạn hơn 2 năm và lệ phí thi là 4,750,000 (thời điểm tính theo bài viết).
– FCE (hay còn được gọi tắt là B2 quốc tế) là kỳ thi của Cambridge English. FCE có thể đánh giá được 5 trình độ ngôn ngữ từ từ A1 đến C1. Tuy nhiên mục đính chính là đánh giá trình độ B2 (nếu thi đạt được từ 160 – 179 điểm). Thí sinh thi đạt được trên 180 điểm sẽ được đánh giá là C1. Chứng chỉ này có giá trị VĨNH VIỄN (lifetime validity) và lệ phí thi là 1,490,000 (tính theo thời điểm bài viết)
=> Nhìn chung, thi IELTS đắt gấp 3 FCE, học phí thường cao hơn khoảng 1,5 đến 3 lần và chỉ có thời hạn 2 năm. Nhưng IELTS được biết đến nhiều hơn và hay được lựa chọn hơn. Lý do tại sao xin mời các bạn đọc tiếp 🙂
2. Cái nào dễ thi hơn, dễ học hơn? Cái nào giá trị hơn?
– Về mặt năng lực ngôn ngữ: IELTS đánh giá được mọi trình độ ngôn ngữ nên đề thi sẽ tích hợp nhiều kiến thức từ dễ đến khó hoặc cực khó (Một phần lý giải vì sao IELTS được yêu thích). FCE chỉ đánh giá được trình độ B1 – C1 nên đề thi sẽ không có nhiều câu hỏi để phân loại trình độ cao (proficient user) như IELTS. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của rất nhiều các kỳ thi khác như TOEFL itp, TOEFL ibt, TOEIC…có 1 khung tham chiếu (CEFR) ra đời để đánh giá 1 cách công bằng và quy đổi điểm số, phân loại trình độ giữa các kỳ thi với nhau. VD: Bạn thi FCE được 160, điểm số này sẽ tương ứng với IELTS 5.5 hoặc TOEFL itp 543. Về lý thuyết, các chứng chỉ có khả năng quy đổi cho nhau với điều kiện thí sinh thi đạt một điểm số tương ứng. Thực tế, mỗi trường ĐH, đơn vị tuyển dụng, công ty… lại chỉ chấp nhận một số kỳ thi nhất định nên nếu bạn lựa chọn kỳ thi không phù hợp, có khả năng kết quả sẽ không được chấp nhận.
=> Tóm lại, đề thi FCE sẽ không đánh đố kiến thức quá cao mà chủ yếu là B2, có một số ít câu phân loại dành cho C1. Còn IELTS sẽ bao gồm cả dễ lẫn cực khó (C2)
– Về cấu trúc đề thi:
+ IELTS có đầy đủ 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Đề thi xây dựng dành cho đối tượng có nhu cầu học tập và làm việc tại môi trường tiếng Anh học thuật quốc tế (VD sinh viên đi du học tại Anh, Úc hoặc Mỹ…). Các chủ điểm thường sẽ mang tính học thuật rất cao (Academic). VD bài thi Nghe sẽ có trích đoạn hướng dẫn tân sinh viên nhập học hoặc làm thủ tục nhập học, đăng ký môn học, hay khó hơn nữa là trích đoạn một bài giảng của giảng viên Đại Học. Kỹ năng Viết bao gồm mô tả biểu đồ và viết bài văn nghị luận xã hội. Ngoài ra, các kỹ năng Đọc, Nói sẽ bao quát đa số các chủ điểm trong đời sống hàng ngày nhưng có sự xuất hiện của một số topic “khoai” như môi trường, y tế, xây dựng, cơ khí, lịch sử, văn học, nghệ thuật…Kỳ thi này được xây dựng khá bài bản và công phu theo mục đích đánh giá sinh viên đi du học. Vì độ uy tín của mình (toàn cầu), đa số các trường học, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đều chấp nhận IELTS làm chuẩn đầu vào hoặc đầu ra.
=> Một phần lý giải nữa IELTS được ưu chuộng hơn
+ FCE cũng đánh giá 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Riêng kỹ năng Đọc được tích hợp thêm phần Use of English (Ngữ pháp). Từ trước 2015, phần Use of English được thi độc lập như 1 kỹ năng thứ 5. Sau 2015, nội dung đề thi đã được điều chỉnh “gọn gàng” hơn và tích hợp thành 4 kỹ năng. Nhìn chung, FCE xét trên phương diện quốc tế chủ yếu phù hợp cho việc học dự bị ĐH hoặc liên thông ĐH. Đề thi cũng mang tính học thuật nhưng không “nặng nề” như IELTS. Một số ít chủ điểm lạ có xuất hiện trong các kỹ năng nhưng không quá chuyên sâu. VD bài viết part 1 IELTS là mô tả biểu đồ (ít nhất 150 từ) , part 1 FCE là viết 1 bài luận đơn giản(ít nhất chỉ 140 từ); part 2 IELTS là viết nghị luận (ít nhất 250 từ) còn part 2 FCE chỉ là viết thư informal cho 1 người bạn hoặc thư formal để xin việc/xin học (ít nhất 140 từ). Ngoài ra thí sinh được lựa chọn giữa viết thư, report, review hoặc article cho part 2 tùy theo sở thích của mình.
=> Tóm lại FCE cũng được công nhận bởi nhiều trường trên thế giới nhưng xét về độ uy tín và giá trị thì không sánh bằng IELTS. Đề thi gọn nhẹ hơn so với IELTS ở tất cả các kỹ năng.
– Về quan điểm cá nhân: Mình đã và đang dạy cả hai chứng chỉ FCE và IELTS trình độ B2. Cá nhân mình thấy rằng IELTS sẽ có ích hơn với các bạn có nhu cầu đi du học nước ngoài hoặc xin việc trong nước. Tuy nhiên, nó chỉ phát huy tối đa giá trị của mình nếu bạn đạt được điểm số từ 6.5 hoặc 7 trở lên. Còn FCE đặc biệt phù hợp với các mục đích như xét chuẩn năng lực giáo viên cấp 1-2, chuẩn trình độ tiến sỹ, nghiên cứu sinh…vì nó có thời hạn vĩnh viễn, phù hợp đối tượng làm việc nhà nước. Đây sẽ là lựa chọn hợp lý và “kinh tế” hơn để lấy chứng chỉ B2.
Mình đã từng làm việc ở vị trí quản lý và tuyển dụng nhân viên, chứng chỉ ngoại ngữ “đẹp” tất nhiên sẽ được đánh giá cao khi xét duyệt hồ sơ. Tuy nhiên, cái nhà tuyển dụng thực sự cần là thái độ, phẩm chất, kỹ năng làm việc, kinh nghiệm và nếu có yêu cầu về ngoại ngữ thì phải là khả năng ứng dụng thực tiễn chứ không phải là điểm số. Tạm gác lại chuyện học và thi cái gì, mình nghĩ các bạn nên hướng tới mục tiêu học tiếng Anh để ứng dụng trong đời sống và công việc trong tương lai thì sẽ có ích hơn. Chứng chỉ suy cho cùng cũng chỉ thể hiện được điều kiện cần, điều kiện đủ phải là năng lực ngôn ngữ thật sự. Thùng rỗng đâu thể kêu to mãi được đúng không các bạn :). Bản chất các kỳ thi IELTS, FCE, TOEFL… cũng chỉ là thang đo ngôn ngữ mà thôi. Kiến thức của bạn đến đâu thì các kỳ thi sẽ phản ánh đúng thực lực đến đó. Hãy cứ tập trung học thật chắc kiến thức nền tảng, sau này việc chọn kỳ thi cũng không phải vấn đề đáng quan ngại lắm đâu 🙂
Bài viết dựa trên kiến thức, kinh nghiệm cá nhân và một số nguồn tham khảo chính thống. Mình sẵn sang tiếp nhận các ý kiến bổ sung và đóng góp. Chúc các bạn học tốt và lựa chọn được kỳ thi phù hợp!