Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mình tiếp cận bài thi FCE WRITING và đạt điểm số tuyệt đối 190. Cách làm của mình có thể áp dụng cho tất cả thí sinh với mục tiêu điểm số là B2 hay C1. Sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ biết cách ôn tập hợp lý hơn để tăng điểm phần thi viết của FCE.
Một trong những sai lầm thí sinh mắc phải khi tự ôn tập đó là chủ quan không nghiên cứu kỹ về kỳ thi + tiêu chí đánh giá. Mọi người chỉ tìm hiểu qua yêu cầu đề bài là gì rồi bắt tay vào viết theo bản năng chứ không áp dụng chiến lược gì cả. Đa sốthí sinh sẽ viết những gì mình cho là đúng, là hợp lý với mình. Và đây là sai lầm chết người.
Tổng Quan Phần Thi FCE WRITING:
Phần thi này có độ dài 80 phút và bao gồm 2 parts. Ở part 1, thí sinh sẽ luôn phải viết 1 bài luận để đưa ra quan điểm của mình trước 1 vấn đề. Với part 2, thí sinh có thể gặp các dạng bài viết như: Letter/email (2 dạng này bản chất vẫn là một), report (tức là 1 bài báo cáo), Review (một bài đánh giá, nhận xét) hoặc Article (một bài báo). Tùy vào đợt thi, thí sinh có thể gặp 3 trên tổng số 4 dạng bài viết ở part 2. Vd như có đợt thi sẽ có phần viết letter, report và article, có đợt thi lại không có letter mà thay vào đó là 3 dạng còn lại như report, review article. Ngoài ra, thí sinh được quyền lựa chọn 1 trong 3 bài viết chứ không bắt buộc phải viết hết cả 3 dạng bài. Độ dài quy định của 2 parts là 140 – 190 từ.
Và cả 2 parts của phần thi viết đề được đánh giá với tiêu chí chấm điểm như nhau:
1. Content: Tiêu chí này đánh giá xem thí sinh có viết đúng, viết đủ, viết liên quan đến yêu cầu đề bài đưa ra hay không.
2. Communicative Achievement: Tiêu chí này đánh giá xem bài viết của bạn có dễ hiểu cho người đọc hay không? Văn phong có phù hợp hay không? VD như tùy từng dạng bài mà bạn sẽ phải sử dụng cách viết formal hoặc informal.
3. Organization: Cách trình bày? Bố cục phù hợp? các ý logic?
4. Language: Khả năng sử dụng ngữ pháp và từ vựng
Lỗi Thí Sinh Hay Mắc Phải Khi Ôn Tập FCE WRITING
Sau 1 thời gian khá dài nghiên cứu và giảng dạy kỳ thi này, mình đã nhận ra đâu là cách ôn tập và làm bài hiệu quả nhất. Mình nhận ra rằng, không chỉ mình mà khá nhiều thí sinh khác khi tự ôn tập đều mắc phải một trong những lỗi dưới đây:
1. Chỉ viết 140 – 190 từ
Nhiều bạn chọn cách tiếp cận an toàn và đơn giản đó là chỉ cần viết ngắn gọn để hoàn thành phần thi. Không cần tốn sức viết dài quá làm chi cho mệt. Miễn sao trong khoảng 140 – 190 từ là ok. Tuy nhiên, bản thân mình đã từng đi thi 3 lần để thử nghiệm 3 cách viết khác nhau với độ dài ngắn khác nhau. Bài viết lần đầu đi thi của mình là ngắn nhất và đơn giản nhất. Với độ dài chỉ vào khoảng 160 từ. Điểm số mình đạt được là 178/190. Với bài viết lần thứ 2, mình chọn cách viết 190 từ thì điểm số có cải thiện một chút. Với bài viết lần thứ 3, mình đã thử nghiệm cách viết khá là crazy. Mình viết bài với độ dài 240/190 từ. Và mình đã thật sự bất ngờ vì đây là bài viết mình đạt điểm số tuyệt đối.
Mình biết nhiều bạn sẽ thắc mắc là “tôi đang học B2 thôi, mục tiêu của tôi đâu có phải C1. Đâu cần phải viết dài như vậy làm chi? Khả năng viết của tôi còn nhiều hạn chế? Nhỡ may viết hơn 190 từ, dài quá , lan man quá bị trừ điểm thì sao?”
Mình hoàn toàn hiểu điều này. Mình biết mỗi người đều có xuất phát điểm khác nhau và trình độ viết khác nhau. Thực tế, bạn không cần phải viết 240 từ như mình mới đạt được điểm cao. Để đơn giản hóa vấn đề, các bạn chỉ cần viết tối thiểu 190 từ là được.
Trong các bài dạy WRITING dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách dễ dàng viết bài 190 từ hoặc hơn mà vẫn đúng trọng tâm, đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí và đạt điểm số cao nhất có thể.
1. Hướng Dẫn Viết Essay (part 1)
2. Hướng Dẫn Viết Essay (part 2)
Theo kinh nghiệm của mình thì WRITING là kỹ năng dễ ôn tập và dễ kéo điểm số các kỹ năng khác. Chỉ cần bạn đầu tư thêm một chút thời gian luyện tập và có phương pháp ôn tập hợp lý, việc tăng thêm 10-20 điểm là hoàn toàn bình thường. Đây là lý do mình chia sẻ kinh nghiệm đã được kiểm chứng của chính mình để giúp bạn ôn tập dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian và công sức.
2. Quá tập trung phần Essay
Như đã giới thiệu ở phần đầu, essay là bài viết bắt buộc ở part 1. Có lẽ vì nó là bài luận và mang tính chất bắt buộc nên nhiều bạn dành quá nhiều thời gian cho phần này. Thực tế, 2 phần thi viết của FCE đều được tính điểm số ngang nhau. Và vì vậy, dù bài luận của bạn làm không thực sự tốt, bạn vẫn có thể viết bài số 2 và kéo điểm lên. Hãy nhớ chia đều thời gian 80 phút cho cả 2 bài viết. Chiến thuật mình đề xuất đó là dành 40 phút cho mỗi bài viết.
3. Chỉ học tủ 1 dạng bài viết Part 2
Nhiều bạn lựa chọn chỉ học 1 dạng bài viết ở part 2 để đi thi cho tiết kiệm thời gian. Vd như chỉ học cách viết thư vì đây là dạng bài quen thuộc nhất. Với các dạng bài như report, review hay article các bạn thường bỏ qua hay né tránh vì nghe tên thôi đã thấy sợ rồi.
Thực sự các bạn đang quá tập trung vào dạng bài viết mà quên mất phần nội dung. Các dạng bài viết như báo cáo report, viết đánh giá review, viết báo article nghe có vẻ xa lạ và khó khăn nhưng chỉ cần tìm hiểu, thực hành một vài lần là bạn có thể viết đúng được.
Mình thấy vấn đề quan trọng hơn cả là nội dung đề bài. Nội dung khó và nằm ngoài tầm hiểu biết của các bạn thì dù nó rơi vào dạng bài viết gì cũng sẽ khó. Ngược lại, nội dung dễ viết thì dạng bài nào cũng không thành vấn đề. Có rất nhiều trường hợp viết một bài báo cáo hay review sẽ dễ dàng hơn viết thư. Và viết báo article cũng vậy.
Do đó, các bạn nên học tối thiểu 2/4 dạng bài viết hoặc nhiều hơn để có thể tự tin lựa chọn dạng bài viết với nội dung dễ nhất với mình. VD: letter/email + report; letter/email + review; letter/email + article.
Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn xây dựng 1 chiến lược ôn tập phù hợp để đạt điểm số cao nhất có thể trong phần thi viết.
Nếu bạn thấy bài viết của mình có ích, hãy đăng ký kênh Youtube của mình để xem thêm những video hướng dẫn học B2 FCE. Bạn cũng có thể kết nối với mình qua trang Facebook hoặc nhóm kín cho người tự học FCE.